Hội nghị tập huấn Điều tra, TTTT về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024
5/14/2024 12:00:00 AM | 122
Trong 2 ngày 13-14/5/2024, tại tỉnh Bình Định, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Ủy ban dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị tập huấn Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (Điều tra DTTS 2024). Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định; Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc, Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thi Hương phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thi Hương cho biết, Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện căn cứ theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số; trong đó quy định Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện cuộc điều tra này với chu kỳ 05 một lần. Năm 2024 là lần thứ 3 Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức thu thập thông tin đánh giá về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc (hai lần trước đó là năm 2015 và 2019).
Để chuẩn bị thực hiện điều tra năm 2024, TCTK đã cùng với UBDT nghiên cứu nhu cầu thông tin về công tác dân tộc căn cứ theo Thông tư số 05/2022/TT-UBDT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê công tác dân tộc và căn cứ kế thừa thông tin đã thu thập thời gian trước đây để đảm bảo tính so sánh.
Dựa trên sự thống nhất với UBDT, Tổng cục trưởng TCTK đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 về việc ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trong đó 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, Điều tra DTTS 2024 là cuộc điều tra mẫu quy mô lớn, giống như một cuộc tổng điều tra về dân tộc tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 – 2030; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Hội nghị tập huấn Điều tra DTTS 2024 nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện điều tra theo đúng Phương án đã ban hành; nâng cao chất lượng thông tin điều tra và kịp thời cung cấp số liệu cho UBDT theo yêu cầu. Vì vậy, để hội nghị tập huấn đạt kết quả tốt nhất, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các giảng viên trình bày đầy đủ các nội dung cần thu thập từ cuộc điều tra; cách thức và kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin, ghi chép thông tin vào phiếu hỏi điều tra; chú ý nhấn mạnh những điểm mới, những nội dung cần chú trọng phương án điều tra. Các đại biểu tham dự tham gia tập huấn đầy đủ, tích cực trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện điều tra tại địa bàn với giảng viên để tìm giải pháp tháo gỡ...
Bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Điều tra DTTS năm 2024 cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ, đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà, năm 2024 là mốc quan trọng chuẩn bị đánh giá giữa kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch 5 năm 2026-2030. Kết quả của cuộc điều tra năm 2024 sẽ là nguồn dữ liệu để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030…
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định đã có chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 40,7%, giảm 10% so năm 2022; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 70% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững.
Để có cơ sở tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc điều tra, thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội, phản ánh thực trạng bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số phục vụ cho việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030 là nhu cầu cấp thiết, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng cho biết, đối với địa bàn tỉnh Bình Định, cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được tiến hành tại 6 địa phương miền núi và trung du của tỉnh, gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát, với địa bàn chọn mẫu tại 93 địa bàn. Đến nay, ngành Thống kê tỉnh Bình Định đã và đang hoàn tất các công việc chuẩn bị có liên quan phục vụ cho cuộc điều tra thu thập này.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam trình bày tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi đồng hành với TCTK trên hành trình xây dựng dữ liệu có chất lượng cao về tình trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Ông Matt Jackson cho rằng, dữ liệu về tình hình của các cộng đồng dân tộc thiểu số khác nhau hay dữ liệu được phân tổ theo dân tộc thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn, khi chúng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đảm bảo các chính sách mang lại hiệu quả cho các đối tượng thiểu số hoặc những người có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.
Những phát hiện từ cuộc Điều tra này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách dữ liệu, đặc biệt với những thay đổi về nhân khẩu học, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến độ các chính sách của Chính phủ hướng tới người dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025, cải thiện các chỉ số quốc gia về Dân tộc thiểu số và quan trọng là cung cấp thông tin để đưa ra các quyết định chính sách và hành động trong giai đoạn 2026-2030 nhằm giảm bớt sự chênh lệch giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Tại Hội nghị, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng CNTT giới thiệu về Phương án Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Theo đó, Điều tra DTTS năm 2024 được thực hiện với mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam…
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trình bày một số lưu ý khi điều tra các nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số. Theo đó, một số chỉ số cần lưu ý trong Điều tra DTTS 2024: Tuổi thọ và Người cao tuổi; Tỷ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em; Đẻ an toàn bao gồm đẻ tại nhà, KHHGĐ, đẻ trước 18 tuổi; Tảo hôn (trước 18 và 15 tuổi); Tỷ số giới tính khi sinh… Đặc biệt, ở nhóm DTTS dưới 10.000 người, việc ước tính sẽ khó và phức tạp, cần cẩn thận khi so sánh…
Toàn cảnh tại Hội nghị
Hội nghị tập huấn Điều tra DTTS năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 13-14/5/2024. Trong các ngày này, các giảng viên của TCTK thực hiện tập huấn về nghiệp vụ cho các Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các nội dung chính như: Xác định hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ; giới thiệu và hướng dẫn về các phiếu điều tra; Hướng dẫn sử dụng trang Web tác nghiệp điều tra và phần mềm CAPI, thảo luận toàn bộ nội dung liên quan đến nghiệp vụ điều tra…
Nguồn: consosukien.vn